SMEs - Thích ứng với tình hình mới!
SMEs - Thích ứng với tình hình mới! - Khóa học CEO
Doanh nghiệp tư nhân là một trong 3 trụ cột chính của nền kinh tế, bên cạnh: Doanh nghiệp nhà nước & doanh nghiệp FDI. Trong doanh nghiệp tư nhân, lực lượng chiếm chủ đạo là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Lực lượng này có những đặc trưng như: Nguồn lực về cơ sở hạ tầng hạn chế, vốn ít, công nghệ sản xuất còn thủ công nên là đối tượng cực kỳ nhạy cảm với “thời tiết vốn hay thất thường”.
Chừng nào Vacine còn chưa được phổ cập, COVID sẽ vẫn còn kéo dài. Chưa biết chừng câu hỏi mới sẽ là: “Sau COVID sẽ là loại chủng virus nào mới?”
Vậy nên, vấn đề bây giờ đặt ra: SMEs thích nghi trong tình hình mới này như thế nào?
Tương lai luôn là một dấu hỏi? Song người bản lĩnh và khôn ngoan luôn lựa cách đương đầu với những kịch bản được hoạch định chặt chẽ nhất có thể.
Bản chất của tự nhiên vẫn là sự chọn lọc, cuộc chơi và sự tồn tại luôn chỉ dành cho những kẻ mạnh.
1 - SMEs và Nguồn nhân lực!
Con người quyết định tất cả và con người cũng là chủ thể khó đoán định nhất. Chính vì hai yếu tố này nên càng có luật chơi rõ ràng bao nhiêu - càng ít rủi ro về nhân sự bấy nhiêu.
Quy chế và khế ước nhóm phải được đặt cao hơn những tục lệ. Vì vậy trước khi thiết kế quy trình hay sắp xếp phân công công việc, bản khế ước chung cần được làm rõ và thoả thuận trên cơ sở tuân thủ, kỷ luật. Sự hiệp đồng (làm việc nhóm) chỉ có thể đạt được khi hội tụ đủ 3 yếu tố: Thủ lĩnh (người đầu đàn) - Cương lĩnh (để hoạt động) - Kho báu (là mục tiêu để đội ngũ hướng tới).
Vậy nên đừng trách nhân sự yếu! Nhân sự yếu kém phần lớn thuộc về một trong ba lí do trên.
2 - SMEs và công nghệ!
Vạn vật “thông minh”: khởi nguồn từ Internet được phổ cập,Trí tuệ nhân tạo và Hệ thống dữ liệu số hoá (Data). Chính thế, nên nếu doanh nghiệp nào giải quyết được mọi việc qua Smartphone, chính là doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả nhất.
Việc đơn giản trong nội bộ như như họp hành, báo cáo ... cho tới những giao dịch bên ngoài với các nguồn cung (nguyên vật liệu, ngân hàng, các cơ quan quản lý, khách hàng…) toàn bộ chuỗi kinh doanh này nên được đóng gói với giao diện thân thiện, tiện ích với một hệ sinh thái khép kín.
Việc này có lợi ích trước mắt là giảm bớt khâu trung gian, số hoá được mọi hoạt động, nhanh chóng tiếp cận thông tin - về lâu dài là một xu hướng không để đảo ngược trong sự tiến hoá của nhân loại.
Web để bán hàng- Apps để chăm sóc. Không cần ôm đồm quá nhiều web- App, hãy tạo ra một bộ công cụ thật chất lượng, nén vào đó thật nhiều data, là một ngân hàng lưu trữ tất tật những điều cần biết về sản phẩm và dịch vụ mình đang tham gia. Hiệu quả sẽ được chứng minh sau một thời gian ngắn.
3 - SMEs & Cơ sở hạ tầng!
Cơ sở hạ tầng thật cần thiết với những doanh nghiệp hoạt động sản xuất và đơn vị kinh doanh bắt buộc cần có mặt bằng.
Cơ sở hạ tầng hay tư liệu sản xuất là nguồn lực có hạn. Nên, COVID- 19 thật khủng khiếp, song một mặt cũng giúp cho việc tích tụ nguồn lực vật chất này vào những nhà đầu tư khoẻ, có tiềm lực. Từ đó gián tiếp, sau một thời gian nữa - sẽ quay trở lại để phục vụ nền kinh tế với một hiệu suất cao hơn.
Vì vậy, phải có tần nhìn- chiến lược- khung hành động với cơ sở hạ tầng. Tích luỹ nếu có lực, nếu yếu lực nhưng có trí: hợp tác trao đổi với các bên đã có sẵn.
M&A sẽ phát triển mạnh là vì thế.
4- SMEs và những thứ không bao giờ thay đổi!
Một điều không bao giờ thay đổi chính là sự thay đổi.
Ngoài sự vĩ đại của Tạo Hoá, không có gì tồn tại mãi mãi- kể cả những nền văn minh lớn nhất của nhân loại.
Thế nên, sản xuất- kinh doanh phải tôn trọng mẹ Thiên Nhiên và biết sợ những Luân Lý. Chúng ta cứ nói Sản phẩm tốt- dịch vụ tốt, như thế chưa đủ- một thương hiệu mạnh luôn phải hướng tới lợi ích cộng đồng, bảo vệ môi trường sống và tính toán tới một tương lai sáng cho con cháu đời sau.
Đó là phát triển bền vững. Và cũng chính là kim chỉ nam cho sự ổn định, ổn thoả.
Văn minh chỉ có được trong một miền tinh thần đẹp đẽ- cao thượng và để lại công quả cho nhiều đối tượng, nhiều thế hệ.
Cuối cùng, các bạn tôi hãy chăm học- chăm đọc- rèn luyện trí, chất mỗi ngày nhé.
Hẹn gặp lại trong hội thảo “Toàn cảnh kinh tế 2020 và dự báo 2021 – Tư duy chiến lược dành cho SMEs” được tổ chức vào thứ 6 ngày 16/10/2020 tại Hà Nội.
NB Nguyễn Hoàng Phương
Tags: smes doanh nghiệp vừa và nhỏ