Vượt Covid-19, doanh nghiệp nên chuyển hướng chiến lược sản phẩm ra sao?
Vượt Covid-19, doanh nghiệp nên chuyển hướng chiến lược sản phẩm ra sao? - Khóa học CEO
Thông qua chuyển hướng chiến lược sản phẩm hoặc dịch vụ đúng đắn và hiệu quả, doanh nghiệp (DN) không chỉ có thể "biến nguy thành cơ", mà hoàn toàn có thể giành được thị phần mới hậu Covid-19.
Bất chấp các hậu quả tiêu cực gây ra cho nền kinh tế toàn cầu bởi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, hầu hết lãnh đạo DN được công ty nghiên cứu thị trường McKinsey & Co. khảo sát vào tháng 6/2020 đều cho rằng, giai đoạn hiện tại có thể sẽ mang đến nhiều cơ hội cho DN của bản thân.
Trong đó, hơn 75% nói với McKinsey & Co. rằng, cuộc khủng hoảng sẽ tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng mới, khi thị trường đã thay đổi đáng kể sau Covid-19. Theo đó, để có thể nắm bắt và tận dụng các xu hướng mới, các DN trên thế giới cần thiết thay đổi chiến lược sản phẩm, dịch vụ một cách phù hợp, hiệu quả.
Tuy nhiên, việc chuyển hướng chiến lược sản phẩm hay dịch vụ mà bản thân đang cung cấp không phải điều dễ dàng. Trên thực tế, nhiều cá nhân cùng tổ chức đã và đang rơi vào tình trạng gián đoạn hoạt động mà chưa từng trải qua trước đây.
Vậy, đâu là hướng đi đúng đắn cho DN? Chia sẻ với tạp chí Entrepreneur, Rashan Dixon - nhà đồng sáng lập, cố vấn kinh doanh cấp cao của Microsoft cho rằng, có 3 yếu tố mà các DN cần xem xét để có thể đưa ra hướng đi đúng đắn.
>> Tìm hiểu ngay khoá học ceo giám đốc điều hành chuyên nghiệp giúp bạn xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp bền vững
1. Tái sử dụng "nguyên liệu thô"
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một trong những lĩnh vực gặp phải nhiều khó khăn nhất là ngành công nghiệp đồ uống dành cho người trưởng thành. Trên khắp thế giới, hàng loạt quán bar đóng cửa, các nhà hàng chỉ có thể hoạt động từ 25% - 50% công suất, và nhiều thương hiệu rượu bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước bối cảnh này, BrewDog - chuỗi nhà máy bia thủ công và quán bar ở Scotland với chi nhánh tại nhiều quốc gia trên thế giới, đã thích ứng bằng cách bán nước rửa tay sát khuẩn, thay vì bia thủ công như thường lệ. Nhờ đó, công ty vẫn có thể sử dụng phần lớn dây chuyền sản xuất hiện tại để tiếp tục sản xuất cồn, mà chỉ phải thay đổi một số nguyên liệu và phương thức đóng chai.
Trong khi đó, nếu là chủ của một hàng quần áo, hay sở hữu DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may, bạn hoàn toàn có thể tận dụng nguồn lực sẵn có để bắt tay vào việc may khẩu trang, từ chất liệu khẩu trang y tế đến vải sợi kháng khuẩn, vải giọt bắn và cả từ chất liệu bã cà phê.
Còn nếu là DN cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, việc số hoá dịch vụ chăm sóc, thăm khám tâm lý bằng video sẽ là giải pháp khả thi. Bất kể sản phẩm của DN bạn là gì, sẽ luôn có cách để biến nó trở thành một sản phẩm hữu ích, phù hợp với bối cảnh hiện nay.
2. Cân nhắc nâng cấp, chuyển đổi phần mềm
Hãy cân nhắc xem việc nâng cấp phần mềm có thể giúp sản phẩm của bạn hữu ích trong cuộc chiến chống lại Covid-19 hay không? Nếu là DN bán phần mềm quản lý dự án, liệu sản phẩm của bạn có thể được tinh chỉnh để giúp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh hay không?
Chẳng hạn, POM - một đơn vị sản xuất thiết bị đeo tay phát tín hiệu cấp cứu, đã có thể cung cấp thiết bị theo vết người bệnh bằng tín hiệu Bluetooth thông qua việc chuyển đổi phần mềm. Về mặt lý thuyết, các công ty xét nghiệm ADN cũng hoàn toàn có thể chuyển sang cung cấp các bộ kit xét nghiệm để lấy mẫu bệnh phẩm tại nhà cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh.
Nếu DN của bạn không biết nên bắt đầu từ đâu, hãy xác định tệp khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch mà bạn muốn phục vụ. Hãy đặt câu hỏi như "làm thế nào phần mềm của tôi có thể giúp họ thực hiện công việc của bản thân nhanh hơn, tốt hơn hoặc an toàn hơn?"
3. Làm quen với xu hướng "ít tiếp xúc xã hội"
Dù trước đây có biết rõ khách hàng của mình tới đâu chăng nữa, các nhà lãnh đạo DN ở thời điểm hiện tại cần phải nhận ra rằng, thói quen của họ đã thay đổi. Do tình trạng giãn cách xã hội, mọi người đang dành nhiều thời gian hơn ở nhà. Vậy, DN của bạn có thể thích ứng và làm điều gì khác để phục vụ khách hàng tốt hơn kể cả trong hoàn cảnh này hay không?
Lấy ví dụ, tại Mỹ, khi các bang ban bố lệnh phong toả vào tháng 3/2020, Uber đã chuyển sang hoạt động mạnh mẽ trong thị trường giao hàng. Xác định kẻ thắng trong cuộc chiến với Covid-19 sẽ là người sở hữu khả năng chống chịu và sức phục hồi tốt, Uber đã đánh mạnh vào mảng giao hàng, thay vì chở người như trước đây.
Dù đã có mặt trên thị trường trên thị trường một thời gian, song phải tới khi đại dịch bùng phát, UberEats mới chuyển hướng từ chỉ giao đồ ăn trong nhà hàng sang kể cả các mặt hàng cơ bản khác, như thuốc và giấy vệ sinh.
Hiện, mảng giao hàng đang chiếm thị phần lớn nhất trong hoạt động kinh doanh của công ty công nghệ này. Và, thậm chí ngay cả sau khi nền kinh tế ổn định, Uber nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục duy trì mảng kinh doanh có nguồn doanh thu lớn nhất này.
Nếu là chủ một nhà hàng, việc làm quen với xu hướng ít tiếp xúc xã hội có thể đơn giản là bán thức ăn mang đi thay vì ăn tại nhà hàng. Đối với các phòng gym, điều này có thể đồng nghĩa với việc cung cấp video tập luyện được cá nhân hóa để các thành viên có thể luyện tập tại nhà...
Nguồn: doanhnhansaigon
Tags: sản phẩm chiến lược sản phẩm