Mô hình PESTEL là gì? Quy trình phân tích mô hình PESTEL trong doanh nghiệp
Mô hình PESTEL là gì? Quy trình phân tích mô hình PESTEL trong doanh nghiệp - Khóa học CEO
1. Mô hình PESTEL là gì?
Mô hình PESTEL là một công cụ phân tích môi trường kinh doanh được các công ty, doanh nghiệp sử dụng trong quá trình quản lý chiến lược.
Tên gọi “PESTEL” xuất phát từ 6 chữ cái Tiếng Anh, tượng trưng cho 6 yếu tố của mô hình bao gồm: Chính trị (Political), Kinh tế (Economic), Xã hội (Social), Công nghệ (Technological), Môi trường (Environmental), và Pháp lý (Legal).
Thông qua mô hình này, doanh nghiệp có thể nhận định và đánh giá sự ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đến hoạt động kinh doanh. Đây chính là nền tảng cho các quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển sản phẩm, cũng như thành công bền vững của doanh nghiệp.
2. Ý nghĩa của mô hình PESTEL với doanh nghiệp
Đối với doanh nghiệp, mô hình PESTEL có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình chiến lược và quản trị kinh doanh toàn diện. Cụ thể:
- Lập kế hoạch kinh doanh phù hợp với biến động thị trường: Trong bối cảnh thị trường liên tục biến đổi và cạnh tranh cao, việc áp dụng mô hình PESTEL giúp doanh nghiệp nhận diện và thích ứng với những biến động này, cũng như dự tính các chiến lược kinh doanh ngắn hạn và dài hạn phù hợp nhất.
- Xác định cơ hội và thách thức: Mô hình PESTEL cung cấp cho doanh nghiệp một góc nhìn từ tổng thể đến chi tiết các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như lạm phát, thiên tai, dịch bệnh,… Từ đó, nhà quản trị có thể xác định và triển khai các kế hoạch để tận dụng cơ hội hoặc giảm thiểu rủi ro.
- Phát triển sản phẩm và dịch vụ: Mô hình PESTEL cung cấp cho các doanh nghiệp một cơ sở thông tin rộng lớn về ngành hàng mà họ tham gia. Từ đó, doanh nghiệp có thể đánh giá khả năng cạnh tranh của mình, phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng mục tiêu.
- Tối ưu hóa hiệu quả marketing: Quá trình nghiên cứu và phân tích thị trường cũng như khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện các chiến lược marketing hiệu quả hơn. Điều này bao gồm việc đặt mục tiêu, xác định thông điệp và lựa chọn kênh truyền thông phù hợp với khách hàng mục tiêu.
3. 6 thành phần của mô hình PESTEL
Như chúng ta đã biết, mô hình PESTEL được cấu thành bởi 6 yếu tố: Political, Economic, Social, Technological, Environmental, và Legal. Cụ thể:
3.1. Political – Yếu tố Chính trị
Yếu tố Chính trị bao hàm những chính sách và quy định của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, đó là:
- Hệ thống chính trị và thể chế chính quyền của quốc gia
- Các chính sách đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn như giảm thuế, hạ lãi suất vay ngân hàng, cung cấp tài chính cho hoạt động nghiên cứu công nghệ
- Các chính sách về quan hệ hợp tác thương mại giữa các quốc gia
- Các chính sách bảo vệ môi trường, tài nguyên và khoáng sản
3.2. Economic – Yếu tố Kinh tế
Yếu tố Kinh tế đề cập đến tình hình kinh tế tổng quan của một quốc gia hoặc một khu vực. Các yếu tố này bao gồm:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ giá hối đoái, chính sách tài khóa và bất động sản
- Sự thay đổi trong hành vi mua sắm, tiêu dùng của người dân
- Các biến động trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như nguồn cung ứng không ổn định hoặc giá nguyên liệu tăng đột biến
3.3. Social – Yếu tố Xã hội
Yếu tố Xã hội liên quan đến khía cạnh văn hóa, xã hội và truyền thống của một quốc gia. Chúng có ảnh hưởng lớn đến sở thích và thói quen tiêu dùng của khách hàng.
- Sự thay đổi trong thị hiếu và nhu cầu lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ của khách hàng
- Các yếu tố nhân khẩu học, bao gồm: tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, thu nhập,…
- Các yếu tố liên quan đến tôn giáo ở mỗi địa phương, vùng miền
3.4. Technological – Yếu tố Công nghệ
Yếu tố Công nghệ thường đề cập đến những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật có ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể:
- Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT) hoặc thực tế ảo (VR) giúp doanh nghiệp có thêm ý tưởng phát triển sản phẩm mới, cũng như nâng cao trải nghiệm của khách hàng
- Các công cụ, máy móc kỹ thuật cao, chẳng hạn như các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu suất và giảm chi phí sản xuất
- Các công nghệ được đối thủ ứng dụng đòi hỏi doanh nghiệp phải quan sát và theo dõi, từ đó đề ra chính sách ứng phó và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình
3.5 Environmental – Yếu tố Môi trường
Yếu tố Môi trường bao gồm các vấn đề về môi trường sống, hệ sinh thái ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến định hướng kinh doanh của doanh nghiệp.
- Biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực đến nhiều mặt của hoạt động sản xuất. Đó là tình trạng thiếu nguồn cung nguyên vật liệu, tăng chi phí vận hành, gián đoạn kênh phân phối,… khiến chất lượng sản phẩm giảm sút, doanh thu thâm hụt.
- Việc sử dụng tài nguyên và năng lượng một cách có hiệu quả giúp doanh nghiệp giảm chi phí và hạn chế tác động đến môi trường. Sử dụng năng lượng sạch, tái chế tài nguyên là một số cách để doanh nghiệp hướng đến “công nghiệp xanh”.
- Các quy định, chính sách bảo vệ môi trường cũng có ảnh hưởng nhất định đến sản xuất, kinh doanh. Đó là các quy định về mức độ xả thải, tiếng ồn, bức xạ,…
3.6. Legal – Yếu tố Pháp lý
Yếu tố Pháp lý không chỉ đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức mà còn bảo vệ quyền lợi của chính doanh nghiệp. Cụ thể là một số quy định:
- Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm
- Luật bảo đảm an toàn và quyền lợi cho người lao động
- Quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu bằng sáng chế hoặc các tài sản trí tuệ khác của doanh nghiệp
- Quy định về sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp
4. Quy trình phân tích mô hình PESTEL
Bước 1: Phân tích 6 yếu tố trong mô hình
- Yếu tố chính trị: Liên quan đến các chính sách và quy định được thiết lập bởi chính phủ và tổ chức quốc tế. Các yếu tố này bao gồm chính sách thuế, quy định và pháp lý, sự ổn định chính trị, tình hình quan hệ quốc tế và các chính sách quản lý khác.
Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất khí đốt phải đối mặt với các quy định của chính phủ liên quan đến quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Yếu tố kinh tế: Liên quan đến tình hình kinh tế tổng thể của quốc gia hoặc khu vực và ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Các yếu tố này bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ giá hối đoái, lạm phát, chính sách tài khóa và bất động sản.
Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất điện thoại phải đối mặt với sự thay đổi của ngành công nghiệp và sự cạnh tranh trong phân khúc thị trường.
- Yếu tố xã hội: Liên quan đến tình hình xã hội của một quốc gia hoặc khu vực và ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Các yếu tố này bao gồm sự đa dạng văn hóa, tôn giáo, giáo dục, thói quen tiêu dùng và các vấn đề xã hội khác.
Ví dụ, một doanh nghiệp thời trang phải đối mặt với sự thay đổi của xu hướng thời trang và sở thích của khách hàng.
- Yếu tố công nghệ: Liên quan đến các tiến bộ trong công nghệ và ảnh hưởng đến sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Ngoài ra, yếu tố công nghệ còn liên quan đến việc đưa ra các chiến lược về đổi mới sản phẩm và dịch vụ, phát triển kênh bán hàng trực tuyến, tăng cường quản lý dữ liệu và an ninh thông tin.
Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất máy tính phải đối mặt với sự thay đổi của công nghệ máy tính và sự cạnh tranh giữa các công ty trong ngành.
- Yếu tố môi trường: Liên quan đến tác động của môi trường đến doanh nghiệp và sản phẩm của nó, bao gồm biến đổi khí hậu, sự suy giảm tài nguyên và các vấn đề về ô nhiễm.
Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em phải đối mặt với các quy định của chính phủ liên quan đến an toàn sản phẩm và chất lượng môi trường.
- Yếu tố pháp luật: Liên quan đến các quy định và luật lệ trong việc kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn như về quyền sở hữu trí tuệ, quản lý nhân sự, bảo vệ môi trường, an toàn và sức khỏe của người lao động…
Ví dụ, một doanh nghiệp bán lẻ phải đối mặt với các quy định của chính phủ về bảo vệ người tiêu dùng và sự tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đăng ký và chứng nhận.
Bước 2: Nghiên cứu và thu thập thông tin
Thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để có cái nhìn toàn diện và chính xác về môi trường kinh doanh, cần thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như báo chí, sách vở, các báo cáo nghiên cứu và thống kê, đối thoại với khách hàng, đối tác và cạnh tranh.
Ngoài các công cụ tìm kiếm trên Internet, có hai lựa chọn đáng chú ý khác để tìm kiếm thông tin cần thiết. Thứ nhất là các báo cáo của các tổ chức phi chính phủ, chẳng hạn như các tổ chức phi lợi nhuận hoặc các tổ chức chính phủ khác. Những báo cáo này thường chứa một lượng lớn dữ liệu đáng tin cậy về các chủ đề cụ thể, và có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề mà bạn quan tâm.
Thứ hai là báo cáo của các công ty nghiên cứu và tư vấn chuyên môn (bên thứ ba). Mặc dù thường tốn một khoản chi phí khá lớn, nhưng báo cáo của các công ty này chứa thông tin cụ thể, đáng tin cậy và có thể không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Ngoài ra, việc phân tích PESTEL cần phải được thực hiện một cách chính xác và trung thực, không có những thông tin sai lệch hoặc bị chi phối bởi quan điểm chủ quan.
Bước 3: Đánh giá và xác định thứ tự ưu tiên
Cần tập trung vào phân tích các yếu tố quan trọng nhất đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc quá tập trung vào các yếu tố không quan trọng sẽ lãng phí thời gian và tài nguyên của doanh nghiệp. Đồng thời, việc phân tích PESTEL cần phải tính đến tương lai để doanh nghiệp có thể đưa ra những kế hoạch và chiến lược phù hợp với môi trường kinh doanh dài hạn.
Bước 4: Báo cáo kết quả phân tích PESTEL
Cuối cùng, cần đưa ra kết luận về tác động của các yếu tố PESTEL đến doanh nghiệp và đưa ra các khuyến nghị về chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai. Doanh nghiệp có thể kết hợp với phân tích SWOT: Việc kết hợp phân tích PESTEL với phân tích SWOT (Strengths, Weaknesses, Opportunities, Threats) sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện hơn về hoạt động kinh doanh của mình, từ đó đưa ra các kế hoạch và chiến lược phù hợp.
5. Ưu điểm và hạn chế của mô hình PESTEL
5.1 Ưu điểm:
Dễ dàng áp dụng: Mô hình này không đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu về kinh tế, luật pháp hay công nghệ, do đó nó rất dễ dàng để áp dụng trong doanh nghiệp.
Phạm vi phân tích rộng: Bao gồm 6 yếu tố bao phủ nhiều khía cạnh khác nhau của môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan.
Giúp đưa ra quyết định chính xác hơn: Bởi phân tích PESTEL giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tình hình thị trường, định hướng chiến lược và đánh giá rủi ro và cơ hội.
Tạo ra sự chuẩn bị cho tương lai: Mô hình PESTEL không chỉ phân tích các yếu tố hiện tại mà còn đưa ra dự báo về tương lai giúp doanh nghiệp chuẩn bị cho các tình huống và đưa ra các kế hoạch phù hợp.
Giúp tăng tính cạnh tranh: Khi hiểu rõ hơn về thị trường, khách hàng, cạnh tranh và các yếu tố khác thì doanh nghiệp có thể phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
5.2 Hạn chế:
Không đưa ra giải pháp cụ thể: Phân tích PESTEL chỉ cung cấp thông tin và đưa ra đánh giá về môi trường bên ngoài, nhưng không đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề.
Không phân biệt độ ảnh hưởng của các yếu tố: Mô hình PESTEL không đánh giá độ ảnh hưởng của từng yếu tố, không phân biệt được yếu tố quan trọng và yếu tố không quan trọng.
Dễ bị ảnh hưởng bởi quan điểm chủ quan: Phân tích PESTEL dễ bị ảnh hưởng bởi quan điểm chủ quan của các nhà quản lý và các chuyên gia.
Không cập nhật được: Môi trường kinh doanh thường thay đổi liên tục và nhanh chóng, do đó, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật các thông tin mới để đảm bảo rằng mô hình PESTEL vẫn được sử dụng hiệu quả.
Trên đây là các kiến thức liên quan đến mô hình PESTEL là gì, các yếu tố và vai trò của mô hình PESTEL.