Phương pháp và các bước giúp rèn luyện kỹ năng thuyết trình hiệu quả
Phương pháp và các bước giúp rèn luyện kỹ năng thuyết trình hiệu quả - Khóa học CEO
Kỹ năng thuyết trình là gì?
Kỹ năng thuyết trình là khả năng trình bày, diễn đạt, truyền đạt thông tin, ý tưởng một cách rõ ràng, logic và thuyết phục trước đám đông. Kỹ năng này còn bao gồm khả năng tương tác và tạo ra sự kết nối với khán giả.
Đây chính là một kỹ năng mềm cần thiết đối với mọi người. Bởi chắc chắn thể thành công bạn phải học cách thuyết trình trước đám đông. Nhưng không phải ai cũng làm tốt điều này. Việc quá áp lực dẫn đến quên nội dung hay kỹ năng thuyết trình là điều hết sức bình thường đối với mỗi chúng ta.
Tầm quan trọng của kỹ năng thuyết trình
Kỹ thuật thuyết trình càng tốt thì bài thuyết trình đó càng trở nên hấp dẫn. Kỹ năng này cũng mang lại nhiều cơ hội hơn để tạo ra những tác động tích cực trong kinh doanh và các lĩnh vực khác trong cuộc sống của mỗi người. Lợi ích mà kỹ năng thuyết trình mang lại phải kể đến:
- Giúp mỗi người trở nên tự tin và lưu loát hơn trong việc truyền tải ý tưởng, nhờ đó người nghe có thể dễ dàng tiếp thu, hiểu và tạo ra sự tương tác tích cực. Điều này cũng giúp nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và cuộc sống hằng ngày.
- Các nhà lãnh đạo có thể trở thành những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực của mình.
- Tạo ấn tượng tốt với đồng nghiệp, khách hàng và đối tác, từ đó có thể phát triển sự nghiệp thành công hơn nữa.
- Mang lại lợi thế cạnh tranh cho ứng viên, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và có được những cơ hội việc làm tốt hơn.
- Xây dựng được phong cách riêng của bản thân, tạo dựng hình ảnh thương hiệu cá nhân, giúp mỗi cá nhân trở nên nổi bật và dễ thu hút hơn.
- Kết nối được nhiều mối quan hệ có giá trị, bởi sự độc đáo, lưu loát trong việc trình bày một vấn đề khiến một người được tin tưởng và nhận được nhiều kết nối từ những người xung quanh hơn.
Phương pháp phát triển kỹ năng thuyết trình hiệu quả
Hiểu rõ mục đích thuyết trình
Trước khi tập trung xây dựng bài thuyết trình với việc thiết kế slide hay lên nội dung, hãy xác định rõ mục đích của nó. Đây là công đoạn vô cùng cần thiết trong kỹ năng thuyết trình hiệu quả. Việc xác định mục tiêu vừa giúp bài thuyết trình mang tính thuyết phục hơn, vừa giúp người thuyết trình biết được mình cần phải làm gì, nên tập trung vào điểm nào và nên sử dụng phương pháp nào cho phù hợp.
Để làm rõ mục đích, hãy tự đặt ra những câu hỏi cho bản thân như: Bài thuyết trình này cung cấp những thông tin gì? Người nghe sẽ bị thuyết phục bởi điều gì?,…
Luôn có một mở đầu súc tích và ấn tượng
Phần mở đầu chắc chắn là yếu tố cực kì quan trọng trong buổi thuyết trình bởi nó sẽ quyết định người nghe có muốn tiếp tục theo dõi nữa hay không. Nếu người nghe bị thu hút ngay từ những giây đầu, khả năng họ tập trung theo dõi đến cuối bài thuyết trình càng cao.
Chính vì vậy, hãy cố gắng gây ấn tượng bằng một vài câu hỏi bất ngờ, một câu chuyện thú vị hay tình huống hài hước liên quan đến nội dung bài thuyết trình. Bên cạnh đó cũng nên tránh dùng từ ngữ hoa mỹ hay những câu nói vòng vo, không đi thẳng vào vấn đề.
Đặt câu hỏi – lắng nghe – phản hồi
Chắc chắn rằng không phải ai cũng có thể đưa ra những ý kiến mà bản thân người thuyết trình muốn được nghe. Vì vậy, để nghe được những điều đó, hãy chủ động đặt câu hỏi. Đồng thời, gợi ra những nội dung xoay quanh câu hỏi và đừng quên cho người được hỏi thời gian đủ để họ suy nghĩ cũng như đưa ra câu trả lời.
Tiếp đó, hãy thể hiện thái độ lắng nghe một cách tập trung và đưa ra những phản ứng dựa theo ngôn ngữ của họ như gật đầu, mỉm cười hay thậm chí là cùng họ trao đổi ý kiến. Việc này sẽ giúp người nghe tin tưởng và đưa ra những ý kiến giá trị hơn. Khi đó người diễn thuyết sẽ thu thập được những thông tin đúng như mình mong muốn.
Vận dụng tối đa ngôn ngữ cơ thể trong khi thuyết trình
Việc tận dụng ngôn ngữ cơ thể khi thể hiện trước đám đông chính là một kỹ năng thuyết trình vô cùng quan trọng. Không ai thích lắng nghe một nhà diễn thuyết bất động, cứng đơ trên sân khấu.
Từ ánh mắt, nụ cười, tư thế cho đến dáng điệu, khuôn mặt,… tất cả đều đem lại những tác động lớn khi thuyết trình. Hãy cố gắng cười tươi, biến đổi cử chỉ phù hợp, giọng điệu có những điểm nhấn trầm bổng, có nhịp điệu. Điều này sẽ giúp người diễn thuyết thoải mái và tự nhiên hơn, đồng thời giúp người nghe hiểu rõ được nội dung được đề cập trong bài thuyết trình.
Đem đến phần kết thúc có giá trị
Tương tự như phần mở đầu, phần kết thúc sẽ luôn để lại những ấn tượng sâu sắc cho người nghe. Nếu không biết kết thúc đúng cách, tất cả những nội dung, những luận điểm chính vừa được trình bày sẽ trở nên mờ nhạt, dễ bị khán giả lãng quên và biến bài thuyết trình trở thành một sản phẩm “đầu voi đuôi chuột”.
Để đảm bảo phần kết đem lại hiệu ứng mạnh mẽ nhất có thể, hãy chuẩn bị trước những từ ngữ mà mình sẽ nói ra, đồng thời đừng quên đề cập đến thông điệp cuối cùng cần truyền tải. Sau đó, hãy tóm tắt nội dung chính và chỉ ra mối liên hệ của các nội dung đó với nhau. Nhờ đó, người nghe sẽ nắm được bài thuyết trình rõ hơn và đánh giá cao người diễn thuyết.
Các bước để có một kỹ năng thuyết trình hiệu quả
Bước 1: Thu thập thông tin, nghiên cứu
Việc tìm hiểu chủ đề thuyết trình và có sự nghiên cứu kỹ lưỡng giúp mỗi cá nhân trở nên tự tin và chuyên nghiệp hơn trong việc thuyết trình.
- Sử dụng công cụ tìm kiếm trực tuyến: Google Scholar, Wikipedia, các website chuyên ngành
- Đọc sách, tài liệu liên quan đến chủ đề thuyết trình, ghi chú lại những thông tin hữu ích
- Tham gia vào các cuộc hội thảo, hội nghị để bắt kịp những xu hướng mới nhất, đồng thời gặp gỡ các chuyên gia trong lĩnh vực để kết nối và học hỏi thêm
- Tìm hiểu về thị trường hiện tại nếu chủ đề liên quan đến sản phẩm/ dịch vụ, nhằm hiểu rõ hơn về nhu cầu khách hàng mục tiêu và đưa ra những thông tin hữu ích.
Lưu ý, trong quá trình thu thập thông tin, cần kiểm tra độ tin cậy và xác thực của chúng. Đồng thời giữ bản quyền và trích dẫn nguồn thông tin để tránh vi phạm chính sách.
Bước 2: Chuẩn bị đầy đủ tài liệu hỗ trợ
Chuẩn bị đầy đủ tài liệu giúp người thuyết trình dễ dàng hơn trong việc truyền đạt thông tin, đồng thời giúp người nghe nắm rõ hơn về chủ đề nhắc tới. Chẳng hạn như:
- Slide thuyết trình: Chứa đầy đủ hình ảnh, video, link,...
- Tài liệu bổ sung: Bài viết, tài liệu, bài báo,... nhằm cung cấp thêm những thông tin minh họa cho khán khả
- Biểu đồ, đồ thị: Trực quan hóa các dữ liệu, giúp khán giả hình dung rõ hơn về chủ đề.
- Hoạt động tương tác: Chẳng hạn như các trò chơi, trò khởi động, tạo năng lượng tích cực cho buổi thuyết trình.
Bên cạnh đó, cần lựa chọn phong cách thuyết phục thể hiện được hình ảnh thương hiệu cá nhân, điều này tạo ấn tượng và thu hút sự tập trung của người nghe.
Bước 3: Thiết kế bố cục bài thuyết trình
Khi đã có đầy đủ tài liệu, thông tin cần thiết, tiếp theo cần thiết kế bố cục bài thuyết trình. Cần có một bố cục bài bản, rõ ràng và xâu chuỗi các slide với nhau, tránh sự rời rạc khiến khán giả cảm thấy khó hiểu.
Tạo một slide thuyết trình rõ ràng, trực quan và phù hợp với chủ đề sẽ tạo ấn tượng rất tốt. Sử dụng các công cụ hỗ trợ như Microsoft PowerPoint, Google Slides, Prezi, Canva,... để tạo slide thuyết trình.
Bước 4: Thực hành, cải thiện kỹ năng thuyết trình
Cách nhanh nhất để nâng cao kỹ năng thuyết trình là thực hành. Chỉ có những va chạm thực tế mới giúp chúng ta mau chóng làm quen, nhìn nhận, cải thiện bản thân. Sau mỗi lần thuyết trình, hãy quan sát phản ứng và phản hồi của khách hàng, nhìn nhận lại điểm mạnh, điểm yếu để cải thiện trong những lần tiếp theo.
Hãy làm nó thường xuyên và kiên trì, có thể học hỏi, tham khảo, ứng dụng những kỹ thuật thuyết trình của chuyên gia rồi xem phong cách nào hợp, cải tiến nó lại thành của bản thân để tạo thương hiệu cá nhân.
Nguồn: Tổng hợp internet