Vai trò, chức năng và nhiệm vụ của giám đốc điều hành chuyên nghiệp
Vai trò, chức năng và nhiệm vụ của giám đốc điều hành chuyên nghiệp - Khóa học CEO
1. Giám đốc điều hành là gì?
Giám đốc điều hành (CEO - Chief Executive Officer) là quản lý cấp cao nhất điều hành các hoạt động trong một doanh nghiệp, chịu trách nhiệm về việc tăng trưởng, vận hành, thiết lập mục tiêu để hướng tổ chức phát triển và thành công. Giám đốc điều hành cũng đóng vai trò làm gương mặt đại diện cho doanh nghiệp trong các hoạt động truyền thông, đối ngoại.
Vị trí cấp cao này đòi hỏi giám đốc điều hành phải chịu trách nhiệm về những thăng trầm, thành bại của doanh nghiệp, vạch ra những định hướng đúng đắn để dẫn dắt tổ chức. Có thể thấy rằng, họ chính là trung gian kết nối giữa HĐQT và tất cả các hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.
Một CEO cần phải sở hữu những kỹ năng và kiến thức sâu rộng, sự nhạy bén trong lãnh đạo cùng niềm đam mê vô song đối với tổ chức và con người của tổ chức.
2. Chức năng Giám đốc điều hành
Với vai trò của người quản trị, điều hành công ty, Giám đốc điều hành có các chức năng sau:
2.1 Hoạch định
CEO chịu trách nhiệm hoạch định các chiến lược, kế hoạch kinh doanh, đầu tư hàng năm cho công ty. Đồng thời họ cũng đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý của doanh nghiệp.
2.2 Phát triển sản phẩm mới
Các CEO sẽ đưa ra quyết định phát triển dòng sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm hiện hữu cho doanh nghiệp.
2.3 Xây dựng thương hiệu
Giám đốc điều hành sẽ đưa ra quyết định về các chiến dịch, chiến lược phát triển thương hiệu và chương trình thu hút khách hàng. Đồng thời họ cũng là người theo dõi và chịu trách nhiệm về các kết quả đạt được.
2.4 Quản lý tài chính
CEO có quyền đưa ra các quyết định về vấn đề tài chính mà không phải đợi HĐQT phê duyệt và phải chịu trách nhiệm về các chỉ tiêu tài chính trước HĐQT. Họ cũng là người duyệt các quy định về tài chính và thiết lập thẩm quyền ký duyệt tài chính trong công ty.
Định kỳ CEO sẽ lập các bảng dự toán tài chính trình HĐQT phê duyệt. Dự toán phải được lập phù hợp với nhu cầu hoạt động và kế hoạch kinh doanh của công ty.
2.5 Đầu tư
Giám đốc điều hành có trách nhiệm phụ trách việc thẩm định các dự án đầu tư. Bên cạnh đó họ cũng là người duyệt các kế hoạch thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch vay, mua bán cổ phiếu, trái phiếu.
2.6 Xây dựng chính sách
Để doanh nghiệp luôn hoạt động trơn tru, nhịp nhàng, CEO cần xây dựng các chính sách kinh doanh, phân phối, tiếp thị, nhân sự, mua hàng và tín dụng một cách cụ thể và khoa học.
2.7 Tổ chức
Mỗi doanh nghiệp tựa như một bộ máy. Và bộ máy đó muốn hoạt động được sẽ cần đến sức lực của rất nhiều người.
Do đó với vai trò là người đứng đầu doanh nghiệp, CEO sẽ phải đứng ra xây dựng và tổ chức bộ máy nhân sự cho doanh nghiệp. Họ sẽ phải tham khảo ý kiến của HĐQT để quyết định số lượng nhân sự cần thuê, chức vụ, công việc của từng vị trí cũng như các chế độ lương, phúc lợi và các vấn đề khác liên quan đến nhân sự của công ty.
2.8 Điều hành
CEO có trách nhiệm thực hiện các kế hoạch kinh doanh được HĐQT thông qua. Định kỳ họ phải tiến hành đánh giá và lập báo cáo cho HĐQT.
>>Tim hiểu ngay khóa học giám đốc điều hành chuyên nghiệp tại Hà Nội.
3. Trách nhiệm của Giám đốc điều hành
Giám đốc điều hành chính là bộ mặt và cũng là người quyết định tương lai của doanh nghiệp. Cho dù mỗi doanh nghiệp sẽ có quy mô và cách thức hoạt động khác nhau, nhưng CEO luôn phải gánh vác các trách nhiệm sau:
3.1 Xác định chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp
Đây chính là trách nhiệm quan trọng nhất của Giám đốc điều hành. Trên thực tế rất khó để đưa ra các quyết định chiến lược. Nhưng nếu không làm được điều đó công ty sẽ chỉ là những cá nhân rời rạc và không thể phát triển.
CEO sẽ phải hệ thống các tầm nhìn, chiến lược phát triển một cách rõ ràng và truyền đạt cụ thể, chi tiết các ý định đó cho đội ngũ nhân viên. Nếu chỉ đưa ra các chiến lược chung chung, đội ngũ nhân viên sẽ không hiểu được mục tiêu và trách nhiệm của họ.
3.2 Là tấm gương cho nhân viên
Những hành động của CEO sẽ được cấp dưới của họ làm theo. Bởi vậy họ phải luôn duy trì các chuẩn mực, tiêu chuẩn, phong thái làm việc và cả tính cách, lối sống. Họ sẽ phải trở thành người mà họ muốn thấy ở nhân viên.
3.3 Hiệu suất và kết quả hoạt động của doanh nghiệp
Chịu trách nhiệm về hiệu suất, kết quả kinh doanh là lẽ đương nhiên đối với vị trí Giám đốc điều hành. Bởi vì các kết quả đó chính là bằng chứng về khả năng lãnh đạo của họ.
Do đó, Giám đốc điều hành sẽ phải kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Họ phải đảm bảo truyền đạt tốt nhất các mục tiêu, đường hướng phát triển cho đội ngũ nhân viên trong công ty. Từ đó có thể đảm bảo hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp luôn được tối ưu.
3.4 Xây dựng và cân bằng các nguồn lực
Cân bằng nguồn lực và tài chính cho doanh nghiệp là trọng trách chỉ có Giám đốc điều hành mới gánh vác được.
Trước thực tế các vấn đề về ngân sách và phân bổ nguồn nhân lực liên tục thay đổi theo từng hoàn cảnh và môi trường kinh doanh, các CEO sẽ phải hiểu rõ chiến lược mình đã đặt ra và phải hiểu sâu các khía cạnh của doanh nghiệp để hoàn thành trách nhiệm này.
4. Nhiệm vụ Giám đốc điều hành phải đảm nhận
Bất kể doanh nghiệp có quy mô và cách thức hoạt động như thế nào, người đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành đều phải nắm rõ bức tranh tổng thể và thường thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Lập kế hoạch và định hướng chiến lược phát triển chung cho toàn công ty.
- Thiết lập mục tiêu, hướng phát triển và chiến lược kinh doanh.
- Điều hành và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của công ty.
- Lập kế hoạch kinh doanh và marketing.
- Thực hiện các nghị quyết, kế hoạch kinh doanh và đầu tư mà Hội đồng quản trị đã thông qua.
- Chịu trách nhiệm về lợi nhuận, mức độ phát triển và tăng trưởng của công ty.
- Đảm bảo đạt được các mục tiêu về tăng trưởng và phát triển.
- Quản lý nhân viên trong công ty, đảm bảo hiệu suất làm việc luôn được tối ưu.
- Đánh giá tình hình và kết quả hoạt động của các bộ phận, phòng ban.
- Nhận diện những thách thức và cơ hội từ thị trường.
- Đa dạng hóa các sản phẩm hiện tại và phát triển các sản phẩm mới cho doanh nghiệp.
- Đánh giá các rủi ro doanh nghiệp có thể gặp phải và đảm bảo những rủi ro ấy được giám sát và giảm thiểu đáng kể.
- Đề xuất với HĐQT về số lượng, mức lương, trợ cấp, bổ nhiệm, miễn nhiệm và các điều khoản khác liên quan đến cán bộ quản lý mà doanh nghiệp cần thuê.
- Phê duyệt cấu trúc tổ chức doanh nghiệp và phạm vi trách nhiệm các cấp quản lý trong doanh nghiệp.
- Trình bày báo cáo và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động cho HĐQT.
Tại các doanh nghiệp lớn, Giám đốc điều hành chủ yếu đưa ra quyết định về các chiến lược dài hạn và quan trọng. Trong khi đó, các quản lý cấp dưới sẽ quyết định các vấn đề ít quan trọng hơn. Còn trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Giám đốc điều hành sẽ thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có cả tuyển dụng nhân sự.
Người ta thường ví doanh nghiệp như một con thuyền và Giám đốc điều hành chính là thuyền trưởng của con thuyền đó. Một con thuyền có thể ra khơi thuận lợi và trở về với một khoang đầy ắp cá hay không phụ thuộc rất lớn vào tài năng và sự nỗ lực của người thuyền trưởng.
>> Tìm hiểu khóa học giám đốc điều hành chuyên nghiệp tại Tp Hồ Chí Minh.
5. Kỹ năng cần có của giám đốc điều hành
Học vấn, chuyên môn
Không bắt buộc phải có bằng cấp để trở thành CEO. Trong nhiều trường hợp, kinh nghiệm và thành tựu trong lĩnh vực kinh doanh có thể quan trọng hơn so với bằng cấp.
Tuy nhiên, việc có bằng cấp đại học hoặc sau đại học trong các chuyên ngành liên quan đến kinh doanh, như quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán, hoặc tiếp thị, có thể giúp xây dựng kiến thức và kỹ năng cần thiết để đạt được vị trí CEO. Ngoài ra, một số công ty có thể yêu cầu vị trí CEO có bằng cấp cao hơn để đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp.
Quan trọng là CEO phải có kinh nghiệm và thành tựu, cũng như các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, phân tích và giải quyết vấn đề. Việc học hỏi và phát triển các kỹ năng này thông qua các khóa đào tạo, chứng chỉ và trải nghiệm thực tế cũng là rất quan trọng để trở thành một CEO thành công.
Đồng thời, khi sự bùng nổ về công nghệ làm thay đổi bản chất của lao động như hiện nay, thì một nhà lãnh đạo không chỉ là một nhà quản trị, mà phải là một chuyên gia có khả năng làm việc với một lượng lớn dữ liệu và có khả năng phân tích chúng. Do đó, trình độ học vấn, chuyên môn giờ đây phải được thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó có sự bắt kịp xu hướng về công nghệ.
Kỹ năng, phẩm chất
Phẩm chất đạo đức của một giám đốc điều hành có thể có tác động đáng kể đến sự thành công và danh tiếng của một tổ chức. Do đó, một CEO cần sở hữu những phẩm chất sau đây:
- Tính kiên định: Một giám đốc điều hành thực thụ phải có can đảm để đưa ra những quyết định khó khăn cùng một lập trường vững chắc, dám đứng lên bảo vệ cho những gì đúng. Trên thực tế khi làm việc, CEO sẽ gặp phải nhiều quan điểm trái chiều, do đó tính kiên định sẽ giúp xây dựng văn hóa tổ chức tích cực, tạo sự tin tưởng và niềm tin cho các bên liên quan của tổ chức.
- Sự chính trực: CEO chính là tấm gương phản chiếu đạo đức của người lãnh đạo. Do đó, giám đốc điều hành cần kiên định, công – tư phân minh với tất cả nhân viên, minh bạch trong tất cả các quyết định đưa ra.
- Kỹ năng giao tiếp: Kỹ năng giao tiếp thể hiện qua ngôn từ ngắn gọn, dễ hiểu, giúp nhân viên nắm rõ những nhiệm vụ mà mình phải làm. Đồng thời, các CEO cũng cần lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu những ý kiến mà cấp dưới đề xuất hay thảo luận.
- Kỹ năng lãnh đạo: Kỹ năng lãnh đạo sẽ giúp CEO biết cách làm thế nào để giải quyết vấn đề, biết cách trao quyền và trách nhiệm cho cấp dưới sao cho hiệu quả. Đồng thời tạo mối quan hệ bền chặt với nhân viên cấp dưới, thúc đẩy tinh thần tự giác, tạo động lực cho họ hoàn thành công việc hiệu quả.
Nguồn: Tổng hợp internet
Tags: ceo giám đốc điều hành