Xây dựng đạo đức kinh doanh giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Xây dựng đạo đức kinh doanh giúp doanh nghiệp phát triển bền vững - Khóa học CEO
Khái niệm đạo đức trong kinh doanh được ông Norman Bowie - nhà nghiên cứu đạo đức kinh doanh nổi tiếng, đưa ra lần đầu tiên tại Hội nghị Khoa học vào năm 1974. Đạo đức kinh doanh là những nguyên tắc được chấp nhận để phân định đúng sai, nhằm điều chỉnh hành vi của các nhà kinh doanh" (Brenner, 1992).
Thực tế đã cho thấy đạo đức kinh doanh của các doanh nhân có tác động tích cực đối với việc hình thành một môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng, quốc gia nói chung. Ở Việt Nam, nhận thức về thực hiện đạo đức kinh doanh trong xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp chưa thực sự đầy đủ, từ đó dẫn đến việc vi phạm đạo đức kinh doanh ở những mức độ khác nhau. Để xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần lấy đạo đức kinh doanh làm nền tảng, đưa các giá trị đạo đức vào trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, trong đó chú trọng các vấn đề sau:
Thứ nhất, đạo đức kinh doanh phải được thể hiện trong triết lý kinh doanh của lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy mỗi doanh nghiệp có những đặc trưng riêng nhưng triết lý kinh doanh có nguyên tắc chung, đó là sự tôn trọng các giá trị đạo đức trong kinh doanh. Điều quan trọng nhất là lãnh đạo doanh nghiệp, tức người đứng đầu tổ chức phải là người thấm nhuần các nguyên tắc đó, từ đó trở thành động lực dẫn dắt toàn thể nhân viên thực hiện.
Thứ hai, cần xây dựng bộ quy tắc đạo đức thống nhất, phải cụ thể hóa những vấn đề thường gặp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, cần nêu rõ những yêu cầu thực hiện đạo đức của doanh nghiệp; cam kết và trách nhiệm của doanh nghiệp với chính quyền, với nhân viên và với cộng đồng; đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm mà nhân viên phải thực hiện đối với đồng nghiệp, lãnh đạo, khách hàng; và các phương án giải quyết các vướng mắc liên quan đến đạo đức trong doanh nghiệp.
Thứ ba, phải triển khai thực hiện bộ quy tắc đạo đức này, chẳng hạn như thường xuyên tổ chức các buổi huấn luyện, hướng dẫn nhân viên xử lý vấn đề khi gặp sự cố phát sinh theo bộ quy tắc; thường xuyên truyền thông, nhắc nhở, đưa các giá trị đạo đức dưới nhiều hình thức khác nhau vào trong các hoạt động doanh nghiệp, trong các cuộc họp… để cho toàn thể nhân viên đều thấm nhuần các giá trị đạo đức, hệ giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, người lãnh đạo và quản lý các cấp phải là những người nêu gương. Nên thành lập riêng một bộ phận hoặc có nhân viên chuyên trách để xử lý các nội dung liên quan đến quy tắc đạo đức trong doanh nghiệp.
Thành công không chỉ ở việc xây được được bộ quy tắc đạo đức hoàn chỉnh mà còn nằm ở việc thực thi sao cho hiệu quả. Muốn vậy, điều tiên quyết là cả tập thể từ lãnh đạo các cấp đến nhân viên đều phải thấm nhuần các hệ giá trị đạo đức mà người chủ doanh nghiệp đã định hình. Đây cũng chính là cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp, sẽ định hình cách hành xử, đối đãi của tập thể, giữa nhân viên với nhau, giữa nhân viên với khách hàng, với đối tác.
Mặt khác, khi nhân viên tin rằng tương lai của họ gắn liền với tương lai của doanh nghiệp, họ sẽ sẵn sàng hy sinh cá nhân vì tổ chức của mình. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có được sự tận tâm, sự gắn bó của nhân viên. Doanh nghiệp càng quan tâm đến nhân viên bao nhiêu thì các nhân viên càng tận tâm với doanh nghiệp bấy nhiêu. Các vấn đề có ảnh hưởng đến sự phát triển môi trường đạo đức trong doanh nghiệp: môi trường lao động an toàn, thù lao thích đáng, thực hiện đầy đủ các trách nhiệm được ghi trong hợp đồng với tất cả các nhân viên, sự quan tâm, giữ đúng lời hứa của lãnh đạo, tinh thần đoàn kết, quan tâm lẫn nhau của nhân viên, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, gia đình, bạn bè…
Bên cạnh đó, các hoạt động từ thiện, trợ giúp cộng đồng không chỉ tạo ra suy nghĩ tích cực của chính nhân viên về bản thân họ và doanh nghiệp mà còn tạo sự trung thành của nhân viên đối với doanh nghiệp. Sự cam kết làm các việc thiện và tôn trọng nhân viên thường tăng sự trung thành của nhân viên đối với tổ chức, tăng sự ủng hộ của họ đối với các mục tiêu của tổ chức. Khi đó, nhân viên sẽ cảm thấy mình được đối xử công bằng, họ sẽ dành hầu hết thời gian tại nơi làm việc, chứ không phải chỉ làm việc “qua ngày đoạn tháng", làm cho xong việc mà không có nhiệt huyết, không tận tâm đối với những mục tiêu mà tổ chức đề ra.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, bên cạnh cạnh tranh về chất lượng, thương hiệu ngày càng trở nên quan trọng hơn. Vì thế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nguồn lực cho việc xây dựng thương hiệu, nghĩa là chú trọng đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp. Năm 2016, tổ chức đánh giá thương hiệu Brand Finance đã xếp Vinamilk là thương hiệu dẫn đầu Top 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam với tổng giá trị thương hiệu được định giá khoảng 1,01 tỷ USD. Tiếp theo là Viettel Telecom với giá trị thương hiệu ước tính khoảng 973 triệu USD. PVN đứng thứ 3 với giá trị thương hiệu 564 triệu USD. Hoạt động đánh giá này sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam ý thức hơn nữa về việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu của chính mình.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu qua việc tổ chức các hoạt động cộng đồng, cam kết bảo vệ môi trường hay hỗ trợ tài chính cho các chương trình nhân đạo. Chẳng hạn, Vinamilk gây quỹ sữa Vươn cao Việt Nam, Tập đoàn Viettel tài trợ chương trình Trái tim cho em, Vingroup thành lập Quỹ Thiện tâm... Đây là những hành động hướng tới cộng đồng, thể hiện đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, cũng là góp phần xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp như Samsung, Toyota, Ford… sẵn sàng thu hồi những sản phẩm lỗi, sẵn sàng đền bù và xin lỗi khách hàng. Điều này không chỉ là cách giữ gìn thương hiệu, mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Việc thực hiện đạo đức kinh doanh là nhằm bảo đảm lợi ích của khách hàng, lợi ích của doanh nghiệp cũng như của xã hội, cho nên xây dựng đạo đức kinh doanh cũng là một cách để xây dựng thương hiệu. Việc tạo dựng thương hiệu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như khả năng tiếp cận thị trường dễ dàng hơn; tạo cơ hội thống lĩnh thị trường. Khi có thương hiệu, giá bán sẽ được cao hơn, doanh số cũng tăng cao hơn và doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn trong việc thu vốn hút đầu tư cũng như gia tăng quan hệ hợp tác.
Với doanh nghiệp, lợi nhuận là mục đích quan trọng. Tuy nhiên, theo đuổi lợi nhuận không đồng nghĩa với việc bỏ qua các chuẩn mực, giá trị, nguyên tắc hoạt động cũng như chất lượng sống của cộng đồng. Chỉ khi doanh nghiệp tạo thương hiệu – danh tiếng của mình dựa trên sự tôn trọng những giá trị đạo đức của cộng đồng, tuân theo những chuẩn mực của xã hội thì việc kinh doanh của doanh nghiệp mới thực sự hiệu quả. Nhiều ví dụ cho thấy, khi doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, bất chấp những hậu quả về mặt đạo đức đối với cộng đồng thì việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới phá sản. Vì vậy, để xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững, doanh nghiệp phải lấy đạo đức kinh doanh làm nền tảng giá trị, không thể tách rời các hoạt động của doanh nghiệp, phải được áp dụng trong mọi mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đối tác, với khách hàng và với toàn xã hội.
“Doanh nghiệp thành công có đạo đức”, nói cách khác tài năng kết hợp với đạo đức, không chỉ là một lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp trên thị trường mà còn tạo nên một môi trường hạnh phúc cho doanh nghiệp, cho quốc gia và cho thế giới. Đó chính là con đường thành công vững bền.
Theo: doanhnhansaigon.vn
Tags: đạo đức kinh doanh kinh doanh