Xây dựng phong cách lãnh đạo trao quyền hiệu quả cho doanh nghiệp
Xây dựng phong cách lãnh đạo trao quyền hiệu quả cho doanh nghiệp - Khóa học CEO
1. Phong cách lãnh đạo trao quyền là gì?
Phong cách lãnh đạo trao quyền là chiến lược lãnh đạo ít tập trung vào quản lý trực tiếp hoặc quản lý vi mô mà cho phép nhân viên tự quản lý thông qua trao quyền. Điều này nghĩa là nhân viên có không gian và quyền đưa ra những quyết định quan trọng về cách họ làm việc mỗi ngày.
Trong mô hình này, người lãnh đạo trao nhiều quyền tự chủ hơn, tạo ra cảm giác trách nhiệm cao hơn khi nhân viên phải chấp nhận kết quả từ các hành động của mình, dù tích cực hay tiêu cực.
2. Ưu, nhược điểm của lãnh đạo trao quyền
2.1. Ưu điểm
Những lợi ích của phong cách lãnh đạo trao quyền đối với người lãnh đạo và đội ngũ:
- Cải thiện năng suất: Khi nhân viên cảm thấy được tin tưởng, họ thường làm việc hiệu quả và nhất quán hơn. Điều này tăng cường sự tự tin, củng cố phương pháp của lãnh đạo và góp phần mang lại doanh thu cao hơn.
- Tạo ra môi trường làm việc tích cực: Cảm giác tự do và tự chủ mang lại tinh thần làm việc tích cực, giảm tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên. Mặt khác, nó cũng mang lại nhiều cơ hội tuyển dụng từ bên trong cho doanh nghiệp.
- Thường xuyên học hỏi, đổi mới: Trao quyền cho nhân viên là cách truyền cảm hứng đổi mới trong quy trình làm việc, giúp công ty có những sản phẩm tốt hơn. Đồng thời xây dựng văn hóa làm việc tập trung, sẵn sàng học hỏi từ những sai lầm và cải tiến liên tục. Theo nghiên cứu của LinkedIn, những nhân viên có thể học hỏi tại nơi làm việc cảm thấy năng suất và thành công hơn (39%), sẵn sàng nhận thêm nhiệm vụ khác (23%) và không còn bị căng thẳng khi làm việc (47%).
Đẩy nhanh quá trình quyết định, tăng tốc độ phục vụ khách hàng: Nhân viên có quyền tự chủ, không cần chờ đợi nhiều bước phê duyệt nên dễ dàng quyết định nhanh, tiết kiệm thời gian phục vụ khách hàng.
2.2. Nhược điểm
Lãnh đạo trao quyền chủ yếu dựa vào năng lực của nhóm. Vì vậy những tình huống các thành viên thiếu kiến thức hoặc kinh nghiệm cần thiết, phong cách này không phát huy hiệu quả. Nó có thể làm suy giảm hiệu suất làm việc và sự hài lòng của nhân viên.
Ngoài ra, nếu mục tiêu chính là tăng cường hiệu suất làm việc, phong cách lãnh đạo này cũng không phù hợp. Chỉ cần một số nhân viên gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian, công việc và giải quyết vấn đề độc lập sẽ khiến tiến độ cả dự bị chậm lại.
3. Đặc điểm của phong cách trao quyền
Dưới đây là một số đặc điểm cần lưu ý khi ứng dụng phong cách lãnh đạo trao quyền:
- Người lãnh đạo cần dành thời gian để chia sẻ mục tiêu chung và giá trị mà mỗi thành viên trong nhóm có được khi đạt được nó. Qua đó nhân viên hiểu được vai trò, trách nhiệm để họ phát huy hết khả năng của mình.
- Người lãnh đạo trao quyền thường ứng dụng nhiều phương pháp giao tiếp qua email, điện thoại, tin nhắn hay nói chuyện trực tiếp. Họ luôn sẵn sàng giải quyết mọi yêu cầu hoặc rào cản mà nhóm gặp phải.
- Việc ủy quyền, xây dựng niềm tin sẽ dẫn đến trao quyền. Người lãnh đạo chỉ nên trao quyền khi hiểu rõ nhân sự đó, giảm thiểu tắc nghẽn.
- Lãnh đạo trao quyền cần nhận ra giá trị mà mỗi nhân viên mang lại. Sự thừa nhận hay trao thưởng cho các cá nhân xuất sắc là việc cần thiết để xây dựng văn hóa, nâng cao tinh thần chung.
4. Các bước xây dựng chiến lược trao quyền hiệu quả
Các bước xây dựng phong cách lãnh đạo này bao gồm:
- Đặt kỳ vọng rõ ràng: Xác định ranh giới trong đó nhân viên được tự do hành động. Bằng cách đặt ra những kỳ vọng rõ ràng (nhưng không quản lý chúng một cách vi mô), người lãnh đạo cho phép nhân viên đưa ra quyết định trong khi vẫn đảm bảo các quyết định đó phù hợp với mục tiêu.
- Trao quyền tự chủ và chấp nhận sự khác biệt: Khi ủy quyền, người lãnh đạo cần chấp nhận những cách thức làm việc khác nhau. Từ bỏ quyền kiểm soát, hạn chế quản lý vi mô và chấp nhận rằng có nhiều phương pháp khác nhau để hoàn thành mục tiêu.
- Cung cấp các nguồn lực cần thiết: Hãy cung cấp các công cụ, tài nguyên và trở thành người đưa ra ý tưởng.
- Đưa ra phản hồi mang tính xây dựng: Người lãnh đạo nên phản hồi một cách cụ thể, khách quan về những quyết định của nhân viên. Từ đó, nhân viên có thêm các gợi ý để điều chỉnh công việc sao cho phù hợp nhất.
- Chấp nhận ý tưởng và ý kiến đóng góp: Hãy để nhân viên tham gia vào việc ra quyết định và đặt mục tiêu. Việc tiếp thu những ý tưởng mới không chỉ giúp ủy quyền chính xác mà còn mở ra những ý tưởng cải tiến tuyệt vời.
- Ghi nhận sự chăm chỉ của nhân viên: Việc thể hiện sự đánh giá cao sẽ khuyến khích nhân viên tiếp tục đổi mới, hành động để giải quyết vấn đề.
Theo: amis.misa.vn