6 bước cơ bản để nghiên cứu thị trường cho doanh nghiệp
6 bước cơ bản để nghiên cứu thị trường cho doanh nghiệp - Khóa học CEO
Nghiên cứu thị trường là gì?
Nghiên cứu thị trường là quá trình thu thập và phân tích dữ liệu từ người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh hoặc cả ngành nghề, lĩnh vực hoạt động để giúp doanh nghiệp:
- Tìm kiếm, khám phá khách hàng mục tiêu của họ là ai
- Hiểu được khách hàng thực sự muốn gì từ thương hiệu
- Cung cấp cái nhìn sâu sắc về mức độ hiệu quả của các nỗ lực tiếp thị doanh nghiệp đang thực hiện
- Giúp doanh nghiệp khám phá các lĩnh vực tiềm năng để phát triển kinh doanh
- Giúp doanh nghiệp có thêm căn cứ đưa ra các quyết định quản trị, kinh doanh, tiếp thị…
- Nghiên cứu thị trường bao gồm toàn bộ kế hoạch tiếp thị của doanh nghiệp – từ việc tạo nhận thức về thương hiệu đến việc đảm bảo khách hàng có thiện cảm, tin tưởng, thậm chí trung thành với thương hiệu.
Tầm quan trọng của nghiên cứu thị trường đối với doanh nghiệp
Nghiên cứu thị trường có vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc hiểu rõ về thị trường, người tiêu dùng và đối thủ cạnh tranh giúp cho các doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định chiến lược kinh doanh chính xác hơn từ đó tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.
Nghiên cứu thị trường cung cấp các thông tin quan trọng về nhu cầu, xu hướng và thị trường, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình. Nó cũng giúp doanh nghiệp định vị thương hiệu, xác định mục tiêu khách hàng và đưa ra các chiến lược tiếp thị phù hợp để thu hút khách hàng hơn.
Điều quan trọng nhất là nghiên cứu thị trường giúp các doanh nghiệp tránh những rủi ro không cần thiết, tránh lãng phí ngân sách và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, nghiên cứu thị trường không chỉ giúp các doanh nghiệp tồn tại trên thị trường, mà còn giúp các doanh nghiệp phát triển và đạt được thành công dài lâu.
>> Tìm hiểu ngay khoá học CMO - Giám đốc marketing chuyên nghiệp
6 bước để nghiên cứu thị trường
Một trong những mục đích cốt lõi của nghiên cứu thị trường là để phát triển hoạt động kinh doanh. Do đó, dù bạn nghiên cứu thị trường theo cách nào thì cũng cần xác định rất rõ cơ hội kinh doanh của mình là gì để nghiên cứu đúng hướng. Bạn có thể tham khảo 6 bước để nghiên cứu thị trường dưới đây.
Bước 1: Xác định cơ hội kinh doanh
Bước đầu tiên, bạn cần xác định vấn đề mà bạn đang hướng tới để giải quyết. Đặt câu hỏi cụ thể sẽ giúp bạn xác định chính xác những nhu cầu cấp thiết nhất hoặc tiết lộ những cơ hội lớn nhất để đạt được mục tiêu nghiên cứu của bạn. Các câu hỏi bạn có thể đề ra trong giai đoạn ban đầu này bao gồm:
- Có bao nhiêu người mua gần đây là khách hàng lần đầu?
- Làm thế nào để biến khách hàng lần đầu thành khách hàng thường xuyên?
- Vì sao doanh số công ty thấp hơn quý trước?
- Giá sản phẩm, dịch vụ có quá cao hay không?
- Tại sao khách hàng đặt các mặt hàng vào giỏ hàng của họ nhưng không hoàn tất việc mua hàng?
- Làm cách nào tối ưu quy trình thanh toán hiệu quả hơn?
Thông qua giải đáp các câu hỏi trên, bạn có thể nhận được khá nhiều thông tin hữu ích để xác định được cơ hội kinh doanh của mình ở đâu.
Bước 2: Xây dựng kế hoạch nghiên cứu
Tiếp theo, bạn sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch nghiên cứu của mình có thể theo 2 phương pháp nghiên cứu:
- Nghiên cứu sơ cấp: thu thập từ những dữ liệu gốc, những gì doanh nghiệp đã nắm được, khảo sát khách hàng… Mặc dù có thể tốn thời gian và chi phí, nhưng đây có thể xem là một trong những cách tốt nhất để thu thập chính xác câu trả lời cho các câu hỏi của bạn.
- Nghiên cứu thứ cấp: dựa vào những phân tích của chuyên gia, chính phủ, tình hình chính trị xã hội… Với phương pháp nghiên cứu thứ cấp, chi phí, nguồn lực bạn cần bỏ ra sẽ thấp hơn rất nhiều do dữ liệu thứ cấp thường sẵn có hoặc chi phí thu thập không cao.
Bước 3: Thu thập dữ liệu
Ở bước 3 này, bạn sẽ tiến hành thu thập dữ liệu khách hàng mục tiêu, có thể theo một số phương pháp như:
- Làm khảo sát khách hàng: Thực hiện một cuộc khảo sát với khách hàng là một phương pháp nghiên cứu cơ bản, hiệu quả, có thể cung cấp phản hồi có giá trị về thực tiễn kinh doanh, chiến thuật tiếp thị và nhu cầu sản phẩm của khách hàng. Nghiên cứu khảo sát khách quan, không thiên vị có thể giúp nắm bắt được suy nghĩ và cảm xúc của một nhóm khách hàng cụ thể bạn hướng tới.
- Bán thử, test thử: Bạn cũng có thể tiến hành bán thử, test thử sản phẩm, dịch vụ của mình để thu nhận phản hồi của khách hàng. Ví dụ như những nhà phát hành game thường có bản close beta để test thử, cho khách hàng trải nghiệm thử trước khi ra mắt game chính thức ở phiên bản open beta.
- Phỏng vấn trực tiếp: Phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại có thể giúp các công ty đánh giá kỳ vọng của người tiêu dùng đối với một thương hiệu, sản phẩm. Trong các cuộc phỏng vấn trực tiếp này, những người tham gia có thể được hỏi những câu như: Bạn đã là khách hàng bao lâu rồi? Điều gì khiến bạn yêu thích một sản phẩm, dịch vụ cụ thể? Hoặc tại sao bạn chọn thương hiệu này thay vì đối thủ cạnh tranh?
Bước 4: Đánh giá, phân tích
Sau khi đã thu thập được các dữ liệu từ khách hàng, bạn sẽ tiến hành đánh giá, phân tích, có thể theo một số phương pháp dưới đây:
- Phân tích mô tả: Dựa trên những dữ liệu thu thập được, bạn sẽ đưa ra thống kê, số liệu theo dạng biểu đồ, đồ thị. Từ đó, bạn sẽ cung cấp được cho tổ chức một bức tranh toàn cảnh về thị trường bằng cách mô tả.
- Phân tích chuẩn đoán: Ở phương pháp này, bạn sẽ tìm hiểu nguyên nhân dựa trên các số liệu. Ví dụ như tại sao có một thời điểm website của bạn ghi nhận lượng truy cập lớn hơn bình thường. Từ quá trình phân tích chuẩn đoán như vậy, bạn sẽ tìm ra được những điểm cần phát huy hay khắc phục trong hoạt động vận hành, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Phân tích dự đoán: Từ dữ liệu thu thập được, bạn sẽ đưa ra những dự đoán trong tương lai, dự đoán về xu hướng phát triển của thị trường. Ví dụ như dữ liệu từ thị trường lao động cho thấy những tháng cận Tết Âm lịch rất khó tuyển dụng do người lao động hiếm khi có nhu cầu nghỉ việc giai đoạn này. Từ đó, bạn có thể đưa ra dự đoán xu hướng thị trường tuyển dụng có thể “ấm lên” trở lại vào những tháng sau Tết, quãng tháng 2, tháng 3 hàng năm.
- Phân tích giải pháp: Ở phương pháp này, bạn sẽ sử dụng dữ liệu thu thập được để đánh giá, phân tích và đưa ra những giải pháp trong tương lai cho doanh nghiệp. Ví dụ như dữ liệu thị trường tuyển dụng cho thấy quãng tháng 2, tháng 3 hàng năm là thời điểm nhân sự thường có biến động lớn, bạn có thể đưa ra giải pháp giữ chân nhân tài là thực hiện đánh giá công việc cho nhân viên ngay sau nghỉ Tết. Như vậy, nhân viên được đánh giá công việc, có cơ hội tăng lương thưởng và sẽ hạn chế bớt tình trạng biến động nhân sự.
Bước 5: Trình bày kết quả
Khi bạn đã hoàn thành nghiên cứu và thực hiện phân tích dữ liệu, bạn có thể xây dựng một báo cáo nghiên cứu để trình bày những phát hiện chính của mình. Bạn có thể trình bày báo cáo của mình ở định dạng trình chiếu, dưới dạng sách minh họa, dưới dạng video hoặc theo bất kỳ cách nào, miễn người tiếp nhận báo cáo có thể đọc báo cáo thuận tiện, dễ hiểu.
Các báo cáo nghiên cứu thị trường thường ít nhất chứa các chi tiết chính như:
- Hồ sơ, thông tin về khách hàng mục tiêu
- Thói quen mua của khách hàng mục tiêu
- Đối thủ cạnh tranh trên thị trường
- Giải quyết các câu hỏi mà nghiên cứu của bạn đang tìm cách trả lời
Ngoài ra, các báo cáo thường trình bày những phát hiện từ nghiên cứu ở định dạng tường thuật kết hợp hình ảnh, như biểu đồ và đồ thị, cùng với phản hồi, ý kiến của người nghiên cứu. Bạn sẽ không muốn trình bày một chồng các con số khô khan, khó hiểu. Thay vào đó, bạn có thể kể một câu chuyện về những khách hàng thực, cách họ cư xử và mong muốn của họ.
Thông tin khác để đưa vào báo cáo của bạn là cách bạn đi đến những kết luận này. Những phương pháp nghiên cứu bạn đã sử dụng? Bạn mất bao lâu để nghiên cứu, khoảng thời gian thực hiện khảo sát?
Sau khi báo cáo được tổng hợp, bạn hãy chia sẻ những kết quả này với tất cả các bên liên quan, chẳng hạn như: chủ doanh nghiệp, hội đồng quản trị, team tiếp thị, kinh doanh… Đó là những thành viên công ty có thể từ báo cáo nghiên cứu thị trường của bạn đưa ra chiến lược hoặc thực thi chiến lược hành động phù hợp trong thời gian tiếp theo.
Bước 6: Đưa ra chiến lược hành động
Sau khi bạn đã trình bày bản báo cáo nghiên cứu thị trường của mình, tổ chức có thể tiếp nhận báo cáo để cân nhắc đưa ra chiến lược phát triển mới hoặc cải thiện, tối ưu, điều chỉnh chiến lược hiện nay.
Một bản báo cáo nghiên cứu thị trường sẽ thực sự trở nên giá trị khi nó được cụ thể hóa thành chiến lược hành động cho tổ chức và đem lại kết quả chuyển biến tích cực. Ví dụ như công ty nghiên cứu thị trường IDC vào năm 2017 đã đưa ra một báo cáo nghiên cứu thị trường di động thời điểm đó với các chi tiết đáng lưu ý như:
- Người tiêu dùng sẽ quan tâm tới những chiếc điện thoại màn hình rộng và giúp mức độ tăng trưởng của thị trường điện thoại thông minh ổn định
- Các mẫu điện thoại có kích thước màn hình lớn hơn 5,5 inch sẽ chiếm khoảng 40% thị phần điện thoại trong tổng số 1,5 tỷ điện thoại được bán ra trong năm 2017
- Thị phần điện thoại màn hình cỡ lớn dự kiến sẽ tăng hơn 50% vào năm 2019
Ryan Reith, một nhà phân tích của IDC, cho biết: “nếu như năm 2012, điện thoại cỡ lớn chỉ chiếm 1% số lượng điện thoại thông minh bán ra thì giờ đây chúng đang tiếp cận 50% thị trường chỉ vài năm sau”.
Báo cáo này được công bố vào năm 2017 và cho đến thời điểm này vào năm 2023, thực tế thị trường điện thoại thông minh cũng cho thấy sự thống lĩnh, phổ biến của các mẫu điện thoại màn hình lớn. Những báo cáo nghiên cứu thị trường như trên rất quan trọng để các công ty tham khảo, đưa ra chiến lược hành động của mình phù hợp với thị trường.
Nguồn: Tổng hợp internet