Debranding là gì? 4 yếu tố cần lưu ý khi thực hiện chiến lược debranding
Debranding là gì? 4 yếu tố cần lưu ý khi thực hiện chiến lược debranding - Khóa học CEO
Xu hướng Debranding là gì?
Debranding là hình thức bỏ tên hoặc cả tên và logo trên các sản phẩm trong một chiến dịch marketing. Việc làm này thoạt nhìn có vẻ gây tác dụng ngược nhưng trong thực tế lại được một số công ty áp dụng rất thành công.
Lý giải cho việc ngày càng có nhiều thương hiệu chạy theo xu hướng Debranding đó chính là do sự tác động của xu hướng thị trướng kết hợp với sự phát triển của các kênh truyền thông online. Thời kỳ các kênh truyền thông online bắt đầu nở rộ và đàn áp các kênh quảng cáo truyền thống cũng là lúc các thương hiệu tìm đến những phương pháp mới để thu hút khách hàng. Xu hướng mới và có vẻ cũng hot nhất hiện nay là viết ra những câu chuyện theo phong cách báo chí nhưng mục đích cuối cùng lại là quảng bá sản phẩm, thương hiệu cho doanh nghiệp.
Điều cốt lõi ở đây là thay vì viết ra những lời kêu gọi mua hàng hay thậm chí cả tên thương hiệu một cách lộ liễu, loại hình quảng cáo kiểu mới này thường tạo cho người đọc cảm giác họ chỉ đang xem một bài báo bình thường mà thôi. Cách làm này khiến cho thương hiệu chiếm được lòng tin hơn, xuất hiện thân thuộc hơn cũng như dần trở nên không thể thiếu đối với khách hàng. Thế nhưng đây vẫn chỉ là một mánh ‘lòe’ khách hàng rút ví của họ mà thôi. Thứ mà các thương hiệu cần làm bây giờ là debranding.
Lý do các thương hiệu debranding để… branding
Tập trung vào chất lượng và chức năng của sản phẩm
Một trong những lý do chính khiến các thương hiệu lựa chọn khai tử tên thương hiệu trên logo là tập trung vào các khía cạnh thiết yếu của sản phẩm và truyền tải thông điệp mà sản phẩm tự nói lên. Cách tiếp cận tối giản này có thể giúp các thương hiệu xây dựng niềm tin và sự tín nhiệm với người tiêu dùng, những người đang ngày càng tìm kiếm những sản phẩm chất lượng cao như cam kết của thương hiệu.
Hạn chế cảm giác quảng cáo quá đà
Người tiêu dùng ngày nay bị tấn công dồn dập bởi các thông điệp quảng cáo và các hình thức branding từ vô số nguồn thông tin khác nhau. Việc tiếp xúc liên tục này có thể dẫn đến sự mệt mỏi cho người dùng, khi họ dần trở nên choáng ngợp và không còn hứng thú với thông điệp của thương hiệu. Debranding có thể là một cách hiệu quả để giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra cảm giác “giải thoát” cho người dùng khỏi sự lộn xộn và ồn ào của bối cảnh quảng cáo, từ đó tạo sự khác biệt và tạo ra trải nghiệm thương hiệu đáng nhớ và hấp dẫn hơn cho người tiêu dùng.
Khuyến khích sự bền vững và ý thức về môi trường
Một động lực khác đằng sau xu hướng debranding là nhận thức ngày càng tăng về các vấn đề môi trường và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh bền vững. Bằng cách cắt giảm các chi tiết trên bao bì và đơn giản hóa các yếu tố thiết kế, thương hiệu có thể giảm tác động đến môi trường và quảng bá hình ảnh bền vững hơn. Cách tiếp cận thân thiện với môi trường này có thể giúp các thương hiệu thu hút người tiêu dùng có ý thức về môi trường, đặc biệt là nhóm khách hàng Gen Z và Millennials, đồng thời củng cố cam kết của họ về các khía cạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR).
>> Xem thêm: Khóa học CMO - Giám đốc marketing chuyên nghiệp tại Hà Nội
4 yếu tố cần lưu ý khi thực hiện chiến lược debranding
Thương hiệu đủ “trưởng thành”
Mặc dù không có mô hình chính thức nào để xác định mức độ trưởng thành của thương hiệu, Brad VanAuken từ The Blake Project cho rằng có 3 dấu hiệu để xác định liệu thương hiệu có thật sự đủ “chín” và “trưởng thành” để trở nên nổi bật trong tâm trí người tiêu dùng hay chưa. Cụ thể:
- Thương hiệu phải có khả năng mang lại ý nghĩa và giá trị cho khách hàng bên ngoài sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.
- Thương hiệu phải có mức độ nhận biết cao ở hiện tại và có khả năng tiếp tục nâng cao nhận thức trong tương lai.
- Thương hiệu có tầm nhìn, giá trị và ý nghĩa ăn sâu vào tâm trí khách hàng, khiến họ khó thay đổi.
Thương hiệu sẵn sàng để thay đổi và thích ứng
Tương tự như trường hợp của Sony Pictures, một thương hiệu đã có sự trưởng thành và định vị vững chắc trong tâm trí của khách hàng không đồng nghĩa với việc thương hiệu đó đã sẵn sàng thay đổi theo hướng tối giản hơn. Đặc biệt với những thương hiệu đang sở hữu một di sản “đồ sộ” đến mức không thể trở thành một phiên bản khác, việc xoá bỏ chi tiết quen thuộc trên bộ nhận diện cũ lại ẩn chứa “nguy” nhiều hơn “cơ”, khiến khách hàng đánh mất lòng tin vào thương hiệu hay thậm chí là xoá bỏ ký ức về nhận diện của thương hiệu đó. Từ đó, vị thế dẫn đầu trên thị trường của thương hiệu cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Thương hiệu minh bạch về chiến lược debranding
Một trong những nguyên nhân khiến các thương hiệu ngày nay chạy theo xu hướng debranding chính là để chinh phục tệp khách hàng trẻ Gen Z và Millennials. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý rằng đối tượng khách hàng này vốn rất quan tâm đến sự minh bạch và các giá trị mà thương hiệu đang theo đuổi. Vì thế, nếu chiến lược debranding được thực hiện nhằm che giấu một hành vi nào đó không minh bạch, nó hoàn toàn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, khiến thương hiệu bị chỉ trích là “đạo đức giả”.
Đơn cử, Harris + Hoole, chuỗi cửa hàng cafe thủ công được yêu thích tại Anh từng bị người dùng phản đối gay gắt sau khi phát hiện 49% cổ phần của doanh nghiệp này thuộc sở hữu của Tesco - một doanh nghiệp có hành vi trốn thuế. Điều đáng nói là thương hiệu này đã cố tình không minh bạch về quyền sở hữu của Tesco khi không thể hiện điều đó trên logo, website thương hiệu hay bất kỳ ấn phẩm truyền thông nào. Carol Levine - cựu khách hàng 50 tuổi của Harris + Hoole bức xúc: “Tôi tránh Starbucks vì đây là một chuỗi cà phê lớn nhưng lại trốn thuế. Và giờ đây khi biết Harris + Hoole thuộc Tesco, tôi cảm giác như nó là một tác phẩm ‘indie’ nhỏ của Starbucks. Điều đó khiến tôi cảm thấy bị lừa. Nếu cửa hàng này minh bạch và gọi mình là Tesco Coffee ngay từ đầu thì tôi đã không ghé mua hàng”.
Hầu hết các khách hàng cảm thấy rằng họ đã bị lừa để “đóng góp” lợi nhuận cho Tesco và họ không ngừng chỉ trích Harris + Hoole như một thương hiệu lừa đảo và dối trá. Màn debranding này đã khiến chuỗi cafe thủ công thua đậm, với khoản lỗ trước thuế khoảng 19 triệu USD vào tháng 02/2014 mặc cho nỗ lực mở thêm 18 cửa hàng.
>> Xem thêm: Khóa học CMO - Giám đốc marketing chuyên nghiệp tại Hồ Chí Minh
Thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực cho phép “che giấu” tên thương hiệu
Trong quyển sách “‘Debranding’ of branded products”, tác giả Mark Burdon đã chỉ trích việc các thương hiệu thuốc thực hiện debranding, xoá bỏ nhãn hiệu của mình để trốn tránh Cơ chế điều chỉnh giá dược phẩm (PPRS) và cho phép các nhà sản xuất tăng giá thuốc. Theo đó, ông cho rằng cách làm này có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của bệnh nhân, đặc biệt là khi thuốc nhập khẩu và thuốc được sản xuất trong nước được bán với tên của cùng một thương hiệu.
Bên cạnh dược phẩm, ngành thuốc lá cũng được cho là sẽ gặp bất lợi nếu thực hiện chiến lược debranding bởi những quy định nghiêm ngặt về thông tin được hiển thị trên bao bì. Thương hiệu thuốc lá Big Tobacco từng phản đối kịch liệt lời kêu gọi của chính phủ về việc gỡ bỏ nhãn hiệu khỏi bao thuốc lá vì lo ngại ảnh hưởng đến lợi nhuận. Lời kêu gọi này được lập ra khi chính phủ Úc cho rằng việc loại bỏ tên thương hiệu và chỉ để lại những hình ảnh cảnh báo về tác hại của thuốc lá có thể làm giảm số lượng người hút thuốc lá tiêu thụ hàng ngày.
Do đó, thương hiệu cần đánh giá cẩn thận xem liệu ngành hàng và lĩnh vực có thật sự an toàn và cởi mở cho chiến lược debranding hay không, và liệu việc loại bỏ tên thương hiệu ra khỏi logo và bao bì có tác động nào đáng kể đến cuộc sống và sức khoẻ của người dùng hay không nhằm đảm bảo chiến lược debranding thật sự mang về lợi ích cho thương hiệu.
Nguồn: Internet
Tags: debranding thương hiệu