Phòng Marketing: Vai trò, chức năng và quy trình nghiệp vụ của phòng Marketing
Phòng Marketing: Vai trò, chức năng và quy trình nghiệp vụ của phòng Marketing - Khóa học CEO
Thật vậy, phòng Marketing mang trên mình rất nhiều trọng trách. Bất cứ một doanh nghiệp nào muốn chiến thắng trong tâm trí khách hàng hay tại điểm bán, đều cần “bộ óc” sáng tạo và sẵn sàng đổi mới của những người làm Marketing.
1. Phòng Marketing là gì?
Phòng Marketing là một bộ phận trong doanh nghiệp có trách nhiệm định hình và thúc đẩy hình ảnh thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ của họ đến khách hàng và thị trường mục tiêu.
Đây là một phần quan trọng của chiến lược kinh doanh tổng thể, xây dựng mối quan hệ với khách hàng hiện tại và tiềm năng, tăng cường nhận diện thương hiệu để tạo ra doanh số bán hàng.
Có thể nói, phòng Marketing như một cầu nối giữa doanh nghiệp và thị trường bên ngoài, giữa sản phẩm và người tiêu dùng, và giữa thuộc tính sản phẩm với nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Marketing chính là những nhà sáng tạo giải pháp giúp doanh nghiệp có được hình ảnh, vị thế trên thị trường.
2. Chức năng cốt lõi của phòng Marketing
Ở mức độ tổng thể, bên cạnh các hoạt động quảng cáo, PR (quảng bá), sản xuất và phân phối nội dung,… phòng Marketing còn liên quan đến việc nghiên cứu thị trường, phân tích dữ liệu, đối thủ cạnh tranh, hướng tới việc tạo ra giá trị cho khách hàng, xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng của doanh nghiệp.
Để hiểu được chức năng cốt lõi của Marketing, có thể gắn ở mô hình 4P:
P1 – Price (Giá cả)
Phòng Marketing phụ trách việc nghiên cứu và xác định chiến lược giá cả cho các sản phẩm và dịch vụ của công ty, bao gồm việc đánh giá giá cả cạnh tranh, phân tích chiến lược giá của đối thủ và tiến hành các khảo sát thị trường để hiểu rõ nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng.
Bằng cách nghiên cứu và phân tích thị trường một cách chi tiết, phòng Marketing có thể hiểu rõ hơn về đặc điểm của khách hàng, nhu cầu của họ để xây dựng chiến lược giá cả phù hợp để đảm bảo sự cân nhắc giữa lợi nhuận và giá trị đối với khách hàng.
P2 – Promotion (Quảng cáo)
Phòng Marketing thực hiện các chiến dịch quảng cáo và truyền thông để tăng cường nhận diện thương hiệu và tạo ra yêu cầu mua hàng. Thương hiệu của bạn không chỉ là logo hay một bảng màu, mà còn là cảm giác và trải nghiệm mà khách hàng có với doanh nghiệp của bạn.
Nhiệm vụ này được thực hiện bằng cách lập kế hoạch và triển khai các chiến dịch quảng cáo online và offline, tổ chức sự kiện, xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, và thực hiện các hoạt động PR để tạo ra sự chú ý từ công chúng.
P3 – Place (Điểm bán hàng)
Marketing đóng vai trò chủ đạo trong việc xác định và phân phối sản phẩm đến đúng đối tượng khách hàng và điểm bán hàng phù hợp. Phòng Marketing nghiên cứu và đánh giá các kênh phân phối hiện có, xác định các điểm bán hàng chiến lược và thiết lập mối quan hệ với các đối tác phân phối để đảm bảo rằng sản phẩm được tiếp cận một cách hiệu quả nhất.
P4 – Product (Sản phẩm)
Khách hàng là trung tâm, sản phẩm là trọng tâm. Phòng Marketing đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và quản lý các sản phẩm và dịch vụ của công ty. Các Marketer nghiên cứu và phân tích thị trường để hiểu nhu cầu của khách hàng, thúc đẩy sự phát triển và cải tiến sản phẩm, xác định và phân loại các dịch vụ hoặc sản phẩm mới, và quản lý vòng đời của sản phẩm từ giai đoạn phát triển đến marketing và bán hàng.
>> Xem thêm: Khóa học CMO - Giám đốc marketing chuyên nghiệp tại Hà Nội
3. Phòng Marketing gồm những bộ phận nào? Nhiệm vụ của từng bộ phận
3.1. Bộ phận xây dựng và quản lý thương hiệu (Brand Team)
Bộ phận này chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý hình ảnh, giá trị và các yếu tố liên quan đến thương hiệu của công ty. Họ phát triển chiến lược thương hiệu, đảm bảo rằng thông điệp và trải nghiệm thương hiệu được truyền tải nhất quán và hấp dẫn cho khách hàng. Nhiệm vụ của Brand Team bao gồm cả việc định hình và bảo vệ danh tiếng của thương hiệu trước công chúng và trong cộng đồng doanh nghiệp.
3.2. Bộ phận thực thi marketing tạo ra kết quả (Performance Team)
Performance Marketing là bộ phận chịu trách nhiệm thực thi các kênh marketing dựa trên hiệu suất cụ thể và đo lường được, chẳng hạn như:
- Quảng cáo trực tuyến (Digital Marketing): Chạy quảng cáo trên các kênh Google Ads, Facebook Ads và các nền tảng quảng cáo trực tuyến khác, nhằm mục đích thu về khách hàng tiềm năng (lead), các khách hàng tiềm năng chất lượng (MQL, SQL) và có thể là doanh số bán hàng (revenue).
- Email Marketing: Gửi email được cá nhân hóa tới tệp người quan tâm (subscriber), và đo lường kết quả dựa trên tỷ lệ mở (open rate), tỷ lệ nhấp chuột (click rate), tỷ lệ chuyển đổi thành lead (conversion rate), hoặc có thể là số lượng lead, số lượng MQL…
- Sản xuất nội dung (Content Marketing) và tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO): Nhằm tăng lưu lượng truy cập tự nhiên của các người đọc vào các nội dung có chủ đích, từ đó chuyển đổi thành subscriber hoặc lead. Một vài chỉ số đo lường hiệu quả khác có thể là lượt truy cập trang web (traffic), thời gian ở lại trung bình trên trang (time-on-site)…
- Tiếp thị Liên kết (Affiliate Marketing): Hợp tác với các đối tác để quảng bá sản phẩm và trả hoa hồng cho họ dựa trên kết quả thu được như doanh số bán hàng hoặc lượt chuyển đổi.
Lưu ý rằng quy mô và phạm vi của bộ phận Performance Marketing có thể thay đổi dựa trên quy mô nhân sự và định hướng chiến lược marketing của doanh nghiệp.
4. Các quy trình nghiệp vụ quan trọng của phòng Marketing
4.1. Quy trình sản xuất nội dung
Quy trình sản xuất nội dung bắt đầu với việc xác định mục tiêu và đối tượng của nội dung, dựa trên đó, các chiến lược nội dung cụ thể được lập kế hoạch và triển khai. Đội ngũ sẽ tiến hành nghiên cứu thị trường để hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng, từ đó phát triển nội dung phù hợp.
Sau khi có kế hoạch, đội ngũ thực hiện sản xuất nội dung, bao gồm viết bài blog, tạo video, hoặc thiết kế hình ảnh. Nội dung sau đó được kiểm tra và sửa đổi để đảm bảo tính chính xác và phù hợp với mục tiêu.
Cuối cùng, nội dung được phân phối qua các kênh như blog, mạng xã hội, và email, và hiệu suất của nó được đo lường bằng các KPI như lượt xem và tỷ lệ tương tác để đánh giá hiệu quả.
4.2. Quy trình kiểm duyệt nội dung
Marketing là bộ mặt của thương hiệu. Vì vậy mọi “đầu ra” cần được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo truyền tải đúng tinh thần, sự chuyên nghiệp hay bất cứ hình ảnh nào mà doanh nghiệp đang hướng tới.
Quy trình này bắt đầu khi nhân viên Marketing gửi nội dung vừa được sản xuất đến người chịu trách nhiệm kiểm duyệt. Nội dung sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo tính chính xác và phù hợp với mục tiêu marketing và thông điệp thương hiệu của công ty. Nếu cần thiết, nội dung sẽ được sửa đổi trước khi phân phối chính thức.
4.3. Quy trình tổ chức sự kiện
Đối với những công ty có tính chất đặc thù cần tổ chức sự kiện liên tục, quy trình tổ chức sự kiện cần được thống nhất bởi team Marketing.
Quy trình này bắt đầu từ việc lập kế hoạch, trong đó xác định mục tiêu, đối tượng, ngân sách và lịch trình cho sự kiện. Sau đó, đội ngũ cùng các bên liên quan chuẩn bị và thực hiện sự kiện theo kế hoạch đã được lập. Phòng Marketing sử dụng các kênh truyền thông để quảng bá sự kiện và thu hút đối tượng tham dự. Sau cùng, hiệu suất của sự kiện sẽ được đánh giá thông qua việc thu thập phản hồi từ khách hàng và đo lường các KPI như số lượng người tham dự và ảnh hưởng đến nhận thức thương hiệu.
>> Xem thêm: Khóa học CMO - Giám đốc marketing chuyên nghiệp tại Hồ Chí Minh.
4.4. Quy trình phê duyệt ngân sách
Quy trình phê duyệt ngân sách là quy trình quan trọng giúp đảm bảo sự minh bạch trong tài chính của một dự án hoặc hoạt động. Đặc biệt đối với phòng Marketing, thường được mệnh danh là phòng ban “tiêu tiền” nhiều nhất của công ty.
Bộ phận quản lý hoặc người chịu trách nhiệm về dự án Marketing đó sẽ đề xuất ngân sách dựa trên dự toán đã xây dựng. Sau khi đề xuất đã hoàn chỉnh, ngân sách sẽ được đưa ra phê duyệt từ các cấp quản lý cao hơn hoặc phòng ban quản lý tài chính của tổ chức. Quá trình phê duyệt này có thể bao gồm việc đánh giá, thảo luận, và điều chỉnh ngân sách để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Bất kỳ biến động hoặc sự thay đổi trong ngân sách đều cần được báo cáo và được phê duyệt lại theo quy trình quản lý ngân sách.
Từ việc nghiên cứu thị trường để hiểu sâu hơn về nhu cầu và “nỗi đau” của khách hàng đến việc thiết kế chiến lược tiếp thị hiệu quả và sáng tạo, phòng Marketing đóng vai trò then chốt trong việc đưa doanh nghiệp “neo đậu” trong tâm trí khách hàng.
Theo: Base.vn